Diễn biến chiến sự trên hướng Volga-Đông Chiến_dịch_Blau

Trong giai đoạn đầu của chiến dịch, tổng cộng cả ba Phương diện quân Voronezh, Tây Nam (cũ) và Nam của quân đội Liên Xô chỉ có trong tay 655.000 sĩ quan và binh sĩ, 740 xe tăng, 14.200 pháo và súng cối và khoảng 1.000 máy bay chiến đấu. Quân đội Đức Quốc xã đã ném vào hướng sông Volga-sông Đông 918.200 sĩ quan và binh sĩ, 1.260 xe tăng, khoảng 17.000 pháo và súng cối, 1.640 máy bay. Ưu thế rõ rệt của quân đội Đức về người (1,5/1), xe tăng (1,7/1), pháo binh (1,2/1) và máy bay (1,6/1) đã bảo đảm cho họ sức tấn công liên tục và rộng khắp trong suốt hai giai đoạn đầu của chiến dịch.

Chiến sự dọc Sông Đông năm 1942

Diễn biến chiến sự tại khu vực Voronezh - Vorosilovgrrad từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1942

Ngày 28 tháng 6 năm 1942, Cánh bắc Cụm tập đoàn quân Nam của quân đội Đức Quốc xã (từ ngày 7 tháng 7 là Cụm tập đoàn quân B) bắt đầu tấn công trên hướng Voronezh. Đòn tấn công đầu tiên của Tập đoàn quân xe tăng 4 do tướng Hermann Hoth chỉ huy đã chọc thủng tuyến phòng ngự của quân đội Liên Xô tại điểm tiếp giáp giữa tập đoàn quân 13 (Phương diện quân Briansk) và tập đoàn quân 40 (Phương diện quân Tây Nam). Sau hai ngày, tập đoàn quân này đã mở được một đột phá khẩu rộng hơn 50 km và sâu 40 km về hướng Voronezh.[40] Mặc dù nắm trong tay một lực lượng dự bị rất mạnh nhưng Tư lệnh Phương diện quân Briansk, tướng F. I. Golikov đã không tổ chức được các đòn tấn công tổng lực vào hai bên sườn cánh quân xe tăng Đức mà lại tung từng quân đoàn xe tăng vào trận một cách nhỏ giọt để vá víu những lỗ thủng cục bộ, nhất thời trên tuyến phòng thủ.[41] Các quân đoàn xe tăng sợ bị tách rời khỏi bộ binh nên không dám mở những đòn đột kích sâu. Kết quả là các tập đoàn quân 13 và 40 (Liên Xô) phải vừa chống đỡ vừa lùi dần về bờ tây sông Đông. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1942, lỗ đột phá của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) tại khu vực tiếp giáp giữa hai phương diện quân đã sâu đến 80 km và mở rộng đến hàng trăm km.[42]

Xe tăng và bộ binh của Tập đoàn quân xe tăng 5 (Liên Xô) từ Phương diện quân Briansk phản kích, tháng 6 năm 1942

Mặc dù Đại bản doanh yêu cầu tổ chức cho Tập đoàn quân xe tăng 5 phản công ngay nhưng tướng F. I. Golikov vẫn không giao cho tập đoàn quân này một nhiệm vụ nào cả. Đến khi tướng A. I. Lizyukov nhận được mệnh lệnh thì thời gian đã trôi đi mất mấy ngày quý giá. Lẽ ra được dùng vào việc phản công, phần lớn Tập đoàn quân xe tăng 5 đã phải làm nhiệm vụ cản hậu, cắt đứt các đường giao thông của các cánh quân xe tăng Đức đang tấn công và yểm hộ cho Tập đoàn quân 40 rút về Voronezh ở bên kia sông Đông qua Gorsetsnoye và Stary Oskol. Ngày 6 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 5 bị xé lẻ ra và phải rút lui cùng với bộ binh.[43] Trước tình hình trở nên nghiêm trọng, ngày 9 tháng 7, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tách các tập đoàn quân cánh trái của Phương diện quân Briansk để thành lập Phương diện quân Voronezh do trung tướng N. F. Vatutin làm tư lệnh, đồng thời tăng viện cho phương diện quân này các tập đoàn quân 6 và 60 để tổ chức phòng thủ tuyến Zadonsk - Pavlovsk. Trung tướng F. I. Golikov, tư lệnh Phương diện quân Briansk bị cách chức. Trung tướng K. K. Rokossovsky thay thế ông ta.[44][45]

Sau khi chiếm một nửa thành phố Voronezh trên bờ Tây sông Đông, ngày 7 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 4 và Tập đoàn quân 6 (Đức) không vượt sông Đông tại đây mà mở cuộc tấn công về phía nam nhằm phối hợp với Cụm tập đoàn quân A hợp vây các Phương diện quân Tây Nam và Nam của Liên Xô tại khúc cong lớn của sông Đông. Đến ngày 16 tháng 7, quân Đức đã chiếm được một loạt các mục tiêu quan trọng trên con đường sắt chạy dọc theo hữu ngạn sông Đông gồm: Valuiky, Rossosh, Bogutsar, Chernaya Kalitva, toàn bộ vùng công nghiệp Donets, mở đường tiến ra sông Volga, đến Stalingrad và Kuban.[43]

Thiếu tá, chính trị viên Alexey Gordeyevich Eremenko, tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn bộ binh 220, Sư đoàn bộ binh 4 dẫn đầu đội hình phản công của Hồng quân tại thành phố Voroshilovgrad ngày 12 tháng 6 năm 1942. Eremenko đã hy sinh chỉ vài phút sau khi bức ảnh được chụp

Trên hướng Nam, sau Chiến dịch Barvenkovo-Lozovaya, tướng Paul Ludwig Ewald von Kleist hướng đòn tấn công của tập đoàn quân xe tăng 1 về phía đông nam, đánh chiếm các đầu mối đường sắt quan trọng tại Kantemirovka, Minlerovo, đe dọa hợp vây các binh đoàn còn lại của Phương diện quân Tây Nam tại khu vực Donbass. Giữa lúc tình hình nghiêm trọng đang diễn ra, nguyên soái S. K. Timoshenko đã bỏ sở chỉ huy chính tại Kalach và dời đến sở chỉ huy dự bị tại Gorokhovka cách Kalach 4 giờ đi ô tô mà không hề thông báo cho Đại bản doanh biết. Vì vậy mà việc chỉ huy phương diện quân bị xáo trộn, các biện pháp cần thiết để rút quân cũng không được tiến hành kịp thời. Đích thân I. V. Stalin phải yêu cầu S. K. Timoshenko quay về sở chỉ huy chính. Trong khoảng thời gian đó, các tập đoàn quân 12, 28, 37 và 38 của phương diện quân đã phải tự mình chống đỡ đòn tấn công của 3 quân đoàn xe tăng và 2 quân đoàn bộ binh của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đang đánh bọc sườn và chia cắt họ thành từng mảnh. Ngày 6 tháng 7 tập đoàn quân 6 bắt đầu tiến xuống phía nam từ Kamenka và tập đoàn quân xe tăng 1 tiến sang từ Konstantinov. Vì Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) đang phải đối phó với cuộc phản kích của Tập đoàn quân xe tăng 5 (Liên Xô) tại Tây Nam Voronezh nên 2 tập đoàn quân này đã không hợp vây được các tập đoàn quân 9, 28 và 38 của Phương diện quân Tây-Nam mặc dù các đơn vị này đã suy yếu sau Chiến dịch Barvenkovo-Lozovaya. Tuy nhiên quân Đức cũng đã tiến được hàng trăm km. Ngày 11 tháng 7, sau khi được tăng viện, Tập đoàn quân xe tăng 1 và Tập đoàn quân 6 (Đức) đã tiến công bao vây các phân đội của Phương diện quân Tây-Nam làm nhiệm vụ cản hậu tại Millerovo ngày 15 tháng 7. Cuộc rút lui này đã đẩy Phương diện quân Nam (Liên Xô) vào tình thế hiểm nghèo do bị hở cả hai bên sườn và ngay lập tức bị Tập đoàn xe tăng 1 và Tập đoàn quân 6 bao vây. Phương diện quân Nam buộc phải rút lui xuống phía nam và một phần đã bị tiêu diệt. Tập đoàn quân xe tăng Đức 1 và tập đoàn quân 17 chiếm Rostov vào 23 tháng 7. Không còn hy vọng phòng thủ tại tuyến sông Đông, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô phải gấp rút thành lập Phương diện quân Stalingrad do tướng V. N. Gordov chỉ huy gồm các tập đoàn quân dự bị 1, 4, 5 và các đơn vị còn lại của các tập đoàn quân 21, 28, 38 và 57 thoát khỏi vòng vây bên hữu ngạn sống Đông rút sang. Nguyên soái S. K. Timoshenko bị triệu hồi về Đại bản doanh.[46]

Quân đội Đức quốc xã tiến về Voronezh, tháng 6 năm 1942

Ngày 24 tháng 7 năm 1942, tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 5 (Liên Xô), tướng A. I. Lizyukov tử trận, cũng là ngày mà Chiến dịch Voronezh (1942) của quân đội Đức đã kết thúc với mục tiêu đạt được là "quét sạch bờ Tây sông Đông" để tạo bàn đạp tiến về phía nam theo đúng kế hoạch Blau đã quy định. Việc Cụm tập đoàn quân A (Đức) chờ đợi kết quả của cánh quân phía bắc, chậm phát động tấn công cũng như các đòn phản kích của Tập đoàn quân xe tăng 5 vào sau lưng cánh quân xe tăng Đức đang tiến về phía nam đã tạo điều kiện cho Phương diện quân Tây Nam và Nam tranh thủ được mấy ngày để rút được một nửa lực lượng còn lại sang bờ Đông sông Đông.[44][45] Trong chiến dịch này, quân đội Liên Xô bị tổn thất lớn với 197.825 người chết và bị bắt, 172.695 người bị thương, chiếm khoảng 3/5 tổng quân số tham chiến ban đầu.[47] Những tổn thất lớn nhất của quân đội Liên Xô thuộc về Phương diện quân Nam trước sức tấn công của Cụm tập đoàn quân A (Đức). Với quân số còn lại chỉ hơn 100.000 người, Phương diện quân này đã không thể phục hồi được và bị giải thể ngày 1 tháng 8 năm 1942.[48]

Quân đội Đức Quốc xã tấn công Stalingrad

Diễn biến chiến sự trên cánh Nam của Mặt trận Xô-Đức từ ngày 22 tháng 5 đến 7 tháng 7 năm 1942

Hơn cả Kharkov, Stalingrad là trung tâm công nghiệp rất lớn của Liên Xô với 126 nhà máy, trong đó có 29 nhà máy cơ khí - luyện kim trọng yếu của Nhà nước Xô Viết. Trong số này có Nhà máy máy kéo cho ra 300.000 máy kéo/năm và đương nhiên, có thể sản xuất cả xe tăng; Nhà máy luyện kim "Tháng Mười Đỏ" cho ra lò 775.800 tấn thép thỏi và 584.300 tấn thép cán mỗi năm. Ngoài ra còn nhiều nhà máy sản xuất vũ khí, đạn dược, đóng tàu... Đây còn là đầu mối trung tâm của mạng lưới giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy chiến lược của miền Tây Nam Liên Xô. Các nhà hoạch định chiến lược của nước Đức Quốc xã cho rằng, trong chiến cục mùa hè năm 1942, cần làm cho Stalingrad mất hết ý nghĩa là một căn cứ chiến lược, đồng thời là trung tâm công nghiệp quốc phòng quan trọng của Liên Xô.[49] Thực hiện ý định này, Tập đoàn quân 6 và cánh trái của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức), sau khi chiếm được các đầu mối giao thông đường sắt quan trọng bên hữu ngạn sông Đông đã dừng lại trước tuyến sông Chir và Tsimla để tập trung lực lượng cho cuộc tấn công lớn vào nửa cuối tháng 7.

Ngày 17 tháng 7 năm 1942, Phương diện quân Stalingrad được thành lập do trung tướng V. N Gordov chỉ huy, với biên chế ban đầu gồm các tập đoàn quân 21, 62, 63, 64 và được rải ra trên một chính diện dài đến 700 km từ Serafimovich đến phía tây Kotelnikovo để phòng thủ Stalingrad từ xa. Từ ngày 18 tháng 7, Tập đoàn quân 6 (Đức) và các quân đoàn xe tăng 14, 24 của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) mở cuộc tổng công kích lớn vào Stalingrad, đánh tan các đơn vị tiều tiêu của Phương diện quân Stalingrad trên các tuyến sông Chir và Tsimla. Đến ngày 22 tháng 7, các cánh quân này đã có mặt trước tiền duyên tuyến phòng thủ chính của quân đội Liên Xô trên tuyến Pavlovsk, Kleshkaya, Surovikino, Suvorovsk, Verkhne-Kurmoyaksk và bắt đầu đột kích vào hai bên sườn tập đoàn quân 62 (Liên Xô). Chiến sự diễn ra ác liệt nhất tại khu vực Kalach.[50]

Xe tăng Đức bị tiêu diệt trước của ngõ Stalingrad, ngày 17 tháng 6 năm 1942

Ngày 23 tháng 7, với ưu thế về binh lực (270.000/160.000 người), pháo binh (3.000/2.200 khẩu), xe tăng (500/400 chiếc), máy bay (550/454 chiếc), Tập đoàn quân xe tăng 4 và Tập đoàn quân 6 Đức đã đầy lùi Phương diện quân Stalingrad khỏi tuyến phòng thủ cơ bản. Đến ngày 17 tháng 8, Quân đoàn xe tăng 14, Quân đoàn bộ binh 8 (Đức) và Tập đoàn quân 3 Romania đã tiến đến tuyến Vertiachi - Kalach; Quân đoàn xe tăng 24, Quân đoàn bộ binh 51 (Đức) đánh chiến khu vực Nizhni-Chirskaya; Quân đoàn xe tăng 48, Quân đoàn bộ binh 4 (Đức) và Tập đoàn quân 4 Romania đã vượt sông Aksay-Esaulovsky, dồn Tập đoàn quân 64 (Liên Xô) ra khỏi khu vực Kamensk về phía bắc.[49] 10 giờ sáng ngày 25 tháng 7, Phương diện quân Stalingrad buộc phải tung hai tập đoàn quân xe tăng 1 và 4 mới thành lập (tổng cộng cả hai tập đoàn quân chỉ có ba quân đoàn với có 213 xe tăng) ra phản kích tại các khu vực Perelazovsky - Kletskaya (Tập đoàn quân xe tăng 4) và Morozovsk Surovkino (Tập đoàn quân xe tăng 1). Cuộc phản kích từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 1 tháng 8 đã thất bại, cả hai tập đoàn quân xe tăng có 51 xe T-34 và 30 xe T-70 bị diệt, 34 xe T-34 và 26 xe T-70 bị hư hỏng; sư đoàn bộ binh 196 hầu như bị xóa sổ với 2.195 người chết, 2.894 người bị thương, 2.089 người bị bắt. Sư đoàn bộ binh 184 và sư đoàn cận vệ bộ binh 33 chỉ còn lại 1.196 và 5.613 người.[23] Mặc dù các cuộc phản kích này nhanh chóng bị Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) đánh tan nhưng nó cũng đã làm trì hoãn cuộc công kích của Tập đoàn quân 6 (Đức), giành thêm một khoảng thời gian 2 ngày để quân đội Liên Xô có thể rút các tập đoàn quân 42 và 64 khỏi vòng vây và chuyển 6 sư đoàn bộ binh 126, 204, 205, 321, 399 và 422 từ Viễn Đông đến tăng viện cho Tập đoàn quân 62 là tập đoàn quân đóng vai trò chủ chốt trong các trận đánh trên đường phố ở nội đô Stalingrad sau này.[23]Ngày 28 tháng 7, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô ra mệnh lệnh số 227, trong đó nên rõ:

Có một số người ở ngoài mặt trận ngu ngốc đến mức tự an ủi mình bằng những câu chuyện rằng chúng ta có thể còn phải rút lui xa hơn nữa về phía đông vì chúng ta còn nhiều lãnh thổ rộng lớn, nhiều đất, nhiều dân và lúa mỳ thì bao giờ cũng thừa thãi. Những luận điệu như vậy hoàn toàn giả dối và gian trá, chỉ có lợi cho kẻ thù của chúng ta.
Mỗi chỉ huy trưởng, mỗi chiến sĩ Hồng quân, mỗi các bộ chính trị phải hiểu rằng lúa mỳ và phương tiện của chúng ta không phải là vô hạn, lãnh thổ Xô Viết không phải là hoang mạc mà ở đó có nông dân, công nhân, trí thức, cha mẹ, vợ con, anh em chúng ta... Cuộc xâm lược của kẻ thù đã lấy đi của chúng ta hơn 70 triệu dân, trên 800 triệu put lúa mỳ và trên 10 triệu tấn kim loại mỗi năm. Rút lui xa hơn nữa tức là tự giết mình và giết chết cả Tổ quốc của chúng ta.
Vì thế, cần phải chấm dứt việc rút lui. Không lùi một bước!
— Đại bản doanh, [51]
Một tổ chiến đấu của Tập đoàn quân 62 (Liên Xô) phòng ngự tại khu vực nhà máy Tháng Mười Đỏ - Stalingrad

Để tăng mật độ phòng thủ Stalingrad với trận tuyến đã kéo dài đến 800 km, ngày 5 tháng 8, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô thành lập Phương diện quân Đông Nam gồm các tập đoàn quân 51, 57, 64, quân đoàn xe tăng 12 và tập đoàn quân không quân 8 lấy từ cánh trái Phương diện quân Stalingrad. Phương diện quân Stalingrad còn lại các tập đoàn quân 21, 62, 63, Quân đoàn xe tăng 28 và Tập đoàn quân không quân 16.[52]

Ý đồ hợp vây các tập đoàn quân 62 và 64 (Liên Xô) ở chỗ lồi giữa sông Đông và sông Volga rất đơn giản. Tập đoàn quân 6 đánh bọc sườn phía bắc, Tập đoàn quân xe tăng 4 đánh bọc sườn phía nam và hợp điểm tại bờ đông Volga và khép toàn bộ Phương diện quân Stalingrad vào thế gọng kìm. Hai bên sườn của các tập đoàn quân này được giao cho các tập đoàn quân 3 và 4 Romania yểm hộ. Ngày 1 tháng 8, Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) vượt sông Đông chiếm bàn đạp quân sự Tsimlianskaya và đột ngột quay sang phía đông, hướng đòn tấn công về Stalingrad. Ngày 19 tháng 8, quân đoàn xe tăng 24 (Đức) đánh chiếm Tundutovo, Krasnoyaarmeysk. Ngày 23 tháng 8, quân đoàn xe tăng 14 (Đức) đánh chiếm Zetas, Donskaya-Tsaritsa và Chervlennaya. Ngày 27 tháng 8, quân đoàn xe tăng 24 chiếm Bagatsin-Voroponovo. Đến ngày 28 tháng 8, Tập đoàn quân 6 tiến đến bờ sông Volga ở phía bắc Stalingrad. Những trận hỗn chiến trên đường phố Stalingrad bắt đầu.[53]

Diễn biến trận phòng thủ Stalingrad từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1942

Ngày 3 tháng 9, các tập đoàn quân 21 và 63 tấn công quân Đức từ phía bắc và chiếm được hai căn cứ bàn đạp tại Serafimovich và Kletskaya. Các tập đoàn quân 24 và 66 cũng tổ chức phản kích vào sườn trái của Tập đoàn quân 6 đã tiến ra bờ sông Volga nhưng không cắt đứt được hành lang này của quân Đức. Bộ chỉ huy Cụm tập đoàn quân B đưa tập đoàn quân 3 Romania ra tuyến phòng thủ phía bắc để Tập đoàn quân 6 (Đức) rảnh tay tổ chức các đòn tấn công vào trung tâm Stalingrad, ép hai tập đoàn quân 62 và 64 của Liên Xô lùi về phía bờ sông Volga.[53] Ngày 27 tháng 9, diễn ra các trận đánh ác liệt để giành giật từng ngôi nhà tại các nhà máy "Tháng Mười Đỏ", "Chiến Lũy" và kéo dài đến ngày 19 tháng 11. Tại trung tâm thành phố, khu đồi Mamayev - Kurgan đã nhiều lần bị chiếm đi, chiếm lại bởi quân đội Đức và quân đội Liên Xô. Tập đoàn quân 62 của quân đội Liên Xô chỉ còn giữ được tại rìa phía đông thành phố một khu vực rộng 3,5 km và có chiều sâu không quá 1,5 km. Ở phía nam thành phố, Tập đoàn quân 64 cũng giữ được một khu vực rộng hơn. Quân đoàn bộ binh 8 và Quân đoàn xe tăng 14 (Đức) nhiều lần tấn công nhưng vẫn không nhổ được hai "cái gai" đang cắm vào hai bên sườn Tập đoàn quân 6 (Đức) trong thành phố. Trong vòng hai tháng, Tập đoàn quân 6 và Quân đoàn xe tăng 14 (Đức) bị hút vào các cuộc chiến trên đường phố và bị tiêu hao một phần lực lượng và mất dần tính cơ động nhưng vẫn không thể chiếm trọn toàn thành phố Stalingrad.[23]

Ngày 27 tháng 8, đại tướng Georgy Zhukov được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng tư lệnh tối cao và được cử đến khu vực Stalingrad. Tại đây, trong khi chỉ đạo Phương diện quân Đông Nam thực hiện các đòn phản kích tại phía nam Stalingrad và chiếm được một căn cứ bàn đạp rất có giá trị quân sự ở dải đất hẹp giữa hai hồ Tsatsa và Barmantsak; ông đã cùng với tổng tham mưu trưởng A. M. Vasilevsky nghiên cứu kế hoạch phản công tại khu vực Tây Nam mặt trận Xô-Đức.[54] Còn tại Tổng hành dinh quân đội Đức Quốc xã ở Đông Phổ, Adolf Hitler vẫn một mực yêu cầu phải đánh chiếm ngay Stalingrad và chuẩn bị cho cuộc tấn công vào khu vực Astrakhan..[55] Chiến dịch Blau mà tác giả chính của nó là Adolf Hitler sắp trải qua một bước ngoặt nằm ngoài dự đoán của Bộ Tổng chỉ huy quân đội Đức Quốc xã.

Quân đội Liên Xô phản công

Trên hướng Stalingrad

Chiến dịch Sao Thiên Vương

Từ giữa tháng 9 năm 1942, kế hoạch phản công của quân đội Liên Xô tại khu vực Stalingrad đã được các đại tướng Georgy ZhukovAleksandr Vasilevsky hoạch định khi Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô nắm trong tay một lực lượng dự bị rất lớn được xây dựng trong mùa hè và mùa thu gồm 25 sư đoàn bộ binh, 6 quân đoàn xe tăng, 7 quân đoàn cơ giới, 4 lữ đoàn bộ binh độc lập, 3 lữ đoàn xe tăng độc lập.[56] Trong khi đó, đến tháng 10 năm 1942, về cơ bản, quân đội Đức Quốc xã đã sử dụng hết lực lượng dự bị của mình. Hơn thế nữa, một khối binh lực và phương tiện rất lớn của quân Đức và các đồng minh của họ đang bị sa lầy vào các trận đánh có tính chất địa phương tại thảo nguyên Kuban và thành phố Stalingrad. Trên hướng Bắc và Trung tâm, quân đội Đức cũng phải giữ thế phòng ngự. Mặc dù Bộ Tổng chỉ huy quân đội Đức cũng điều từ Pháp và Đức sang 8 sư đoàn nhưng lại đưa đến bố trí tại vùng Vitebsk - Smolensk. Hai sư đoàn được rút từ Leningrad đến bố trí tại Velikiye Luki, hai sư đoàn cũng được rút từ VoronezhZhizdra để đưa đến khu vực Yartsevo-Roslavl.[57] Quân đội Đức cũng không xác định được 11 tập đoàn quân Liên Xô đã tập trung xung quanh khu vực Stalingrad. Sau chiến tranh, tướng Đức Alfred Jodl thừa nhận:

Chúng tôi tuyệt nhiên không tưởng tượng được sức mạnh của quân Nga trong khu vực này. Trước đó, ở đây không có gì hết. Thế mà bất thình lình, chúng tôi bị nện một đòn mạnh có ý nghĩa quyết định.
— Alfred Jodl, [53]
Chiến dịch Bão Mùa đông

Ngày 19 tháng 11 năm 1942, trong khi Tập đoàn quân 6 và Quân đoàn xe tăng 14 (Đức) vẫn mải miết tiến hành các trận chiến giằng co trên các đường phố Stalingrad để nhổ từng chốt điểm của Tập đoàn quân 62 (Liên Xô) thì ba Phương diện quân Tây Nam (mới), Stalingrad (mới) và Sông Đông của quân đội Liên Xô đã bất ngờ mở Chiến dịch Sao Thiên Vương. Chỉ sau năm ngày tấn công, các mũi đột kích bằng xe tăng, cơ giới ở vòng ngoài, tiến hành đồng tâm với các cuộc xung phong bằng bộ binh, được không quân và pháo binh yểm hộ mạnh đã đè bẹp hai tập đoàn quân 3 và 4 (Romania) ở phía tây Bắc và Đông Nam Stalingrad. Ngày 25 tháng 11, vòng vây kép của quân đội Liên Xô đã khép chặt tại thị trấn Kalach và thị trấn Nizhni-Chirskaya trên ngã ba sông Đông và sông Chir. Nằm trong vòng vây là Tập đoàn quân 6 (Đức) gồm các quân đoàn bộ binh 8, 11, 51 (tổng cộng 14 sư đoàn bộ binh); Quân đoàn xe tăng 14 thuộc Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) gồm 2 sư đoàn cơ giới (3 và 60), 3 sư đoàn xe tăng (14, 16 và 24); sư đoàn cơ giới 29 (trong đội dự bị của Tập đoàn quân xe tăng 4), cùng nhiều đơn vị kỹ thuật, công binh, trợ chiến, thông tin, quân y, hai trung đoàn không quân (Đức); các sư đoàn kỵ binh 1 và 20 (Romania).[53][57]

Trong một nỗ lực giải cứu cho Tập đoàn quân 6, Bộ Tổng chỉ huy quân đội Đức thành lập Cụm tập đoàn quân Sông Đông do thống chế Erich von Manstein chỉ huy gồm các cụm tác chiến Hoth và Hollidt; binh lực gồm các quân đoàn xe tăng 48 và 57, sư đoàn xe tăng độc lập 17, Tập đoàn quân 8 Ý, 2 quân đoàn bộ binh Romania và Tập đoàn quân không quân 4. Ngày 12 tháng 12 năm 1942, Cụm tập đoàn quân Sông Đông (Đức) mở Chiến dịch Bão Mùa đông nhằm mở hai hành lang qua vòng vây của quân đội Liên Xô từ hướng Tây và Tây Nam Stalingrad. Tuy nhiên, Cụm quân Hoth phải dừng lại ở hướng Tây Nam trên các tuyến sông Aksay-Esaulovsky và Myskova khi chỉ còn cách cụm quân của tướng Friedrich Paulus trên dưới 40 km. Vấp phải sức phản kích của Tập đoàn quân cận vệ 2 và Tập đoàn quân 51 (Liên Xô), ngày 27 tháng 12, cụm quân Hoth bị đẩy lùi về vị trí xuất phát. Ngày 29 tháng 12, quân Đức phải bỏ Kotelnikovo, rút về hướng Rostov để bảo vệ thành phố này và tránh một nguy cơ bị hợp vây mới.[58]

Chiến dịch Sao Thổ

Ở trung lưu Sông Đông, cuộc tấn công của Cụm tác chiến Hollidt bị bẻ gãy ngay từ đầu bởi đòn phản công thứ hai của Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) do thượng tướng N. F. Vatutin trong Chiến dịch Sao Thổ vào hậu cứ của cụm tác chiến này và uy hiếp cả hậu cứ của Cụm tập đoàn quân Sông Đông. Mặc dù phải điều chỉnh mục tiêu chiến dịch nhưng Phương diện quân Tây Nam đã gần như xóa sổ Tập đoàn quân 8 Ý; đánh tan 2 sư đoàn và 4 trung xe tăng Đức, 1 sư đoàn bộ binh Đức, 5 sư đoàn và 3 trung đoàn bộ binh Ý, 5 trung đoàn bộ binh Romania, loại khỏi vòng chiến đấu tổng cộng 120.000 quân Đức và đồng minh của Đức, bắt 60.000 tù binh, thu 1.900 súng các loại, 176 xe tăng và khoảng 350 máy bay. Trận đột kích vào khu vực Tatsinskaya và Minlerovo do Quân đoàn xe tăng 24 (Liên Xô) thực hiện đã phá hủy nhiều sân bay quan trọng của Tập đoàn quân không quân 4 (Đức), làm suy giảm đáng kể sức tiếp tế đường không cho cụm quân Đức đang bị vây trong khu vực Stalingrad. Những trận pháo kích và ném bom của các tập đoàn quân không quân 8 và 16 vào các sân bay Gumrak, Pitomnik và các sân bay dã chiến trong vòng vây của quân Đức cùng các trận không chiến nhằm vào các máy bay vận tải Đức cũng đã làm kiệt quệ các phi đội vận tải của Tập đoàn quân không quân 4 (Đức). Tất cả những yếu tố trên đây đã đẩy Tập đoàn quân 6 cùng các sư đoàn Đức và Romania trong vòng vây vào một "phiên bản của địa ngục".[59][60]

Chiến dịch Cái Vòng (1943)

Sau khi đánh bại những nỗ lực phá vây của quân đội Đức Quốc xã, ngày 10 tháng 1 nam 1943, quân đội Liên Xô mở lại Chiến dịch Cái Vòng trước đó bị hoãn lại ngày 14 tháng 12. Phương diện quân Sông Đông (Liên Xô) của trung tướng K. K. Rokossovsky được chuyển thuộc các tập đoàn quân 57 và 64 từ Phương diện quân Stalingrad đã sử dụng ba đòn công kích liên tiếp từ Tây sang Đông, tiêu diệt và bắt làm tù binh toàn bộ Tập đoàn quân 6 (Đức) cùng các đơn vị của Quân đoàn xe tăng 14 (Đức) và 2 sư đoàn kỵ binh Romania trong vòng vây gồm trên 285.000 người. Trong số 91.000 người bị bắt có Thống chế Friedrich Paulus (được phong ngày 30 tháng 1 năm 1943) và 24 tướng lĩnh dưới quyền. Quân đội Liên Xô đã phá hủy và thu giữ 5.762 khẩu pháo, 1.312 súng cối, 12.701 súng máy, 80.438 tiểu liên, 156.987 súng trường, 10.722 ô tô, 744 máy bay, 1.666 xe tăng, 261 xe bọc thép, 10.679 mô tô, 240 máy kéo, 571 xe half-track, 3 đoàn tàu hỏa bọc thép và nhiều thiết bị quân sự khác. Những thiệt hại nói trên chưa từng xảy ra đối với nước Đức Quốc xã kể từ ngày đầu chiến tranh thế giới thứ hai. Uy tín về tính bách chiến, bách thắng của quân đội Đức Quốc xã bị tổn hại nghiêm trọng.[61][62]

Cuộc phản công thắng lợi của quân đội Liên Xô đã biến thành cuộc tổng phản công mùa Đông 1942-1943 trên toàn tuyến mặt trận phía nam Liên Xô, đẩy quân Đức ra khỏi Kavkaz và Kuban, chiếm lại tuyến sông Đông, uy hiếp Donbass, đẩy quân Đức lùi về phía tây từ 250 km (ở trung lưu và thượng lưu sông Đông) đến hơn 700 km (ở Kavkaz). Quân đội Liên Xô chỉ chịu dừng bước trước cuộc phản công đầu mùa hè năm 1943 (Chiến dịch Donets) và bắt tay vào chuẩn bị cho Trận Kursk.

Chiến sự tại trung lưu và thượng nguồn sông Đông

Diễn biến chiến sự tại cánh Nam Mặt trận Xô-Đức từ 13 tháng 12 năm 1942 đến 18 tháng 4 năm 1943

Giai đoạn 2 cuộc tổng tấn công mùa đông 1942-1943 của quân đội Liên Xô mở màn vào 13 tháng 1 năm 1943 với cuộc tấn công của 4 tập đoàn quân thuộc Phương diện quân Voronezh của tướng F. I. Golikov phối hợp với các Tập đoàn quân 13 thuộc Phương diện quân Briansk và Tập đoàn quân 6 thuộc Phương diện quân Tây Nam. Cuộc tấn công này đã bao vây và tiêu diệt Tập đoàn quân số 2 Hungary gần thị trấn Svoboda bên sông Đông, đánh thiệt hại nặng Tập đoàn quân 2 (Đức). Cuộc tấn công thứ hai của Phương diện quân Bryansk Liên Xô vào cánh Bắc của Tập đoàn quân 2 (Đức) đã tạo ra nguy cơ đe dọa bao vây tập đoàn quân này. Mặc dù tập đoàn quân số 2 Đức đã cố gắng thoát được nhưng họ phải rút lui và đến 12 tháng 1, Phương diện quân Voronezh đã mở tiếp chiến dịch tấn công thứ ba trên hướng Ostrogozhsk - Rossoshsk và ngay sau đó là Chiến dịch Voronezh - Kastornoye. Cuối cùng, quân đội Liên Xô đã lần đầu tiên chiếm lại được thành phố Kharkov sau 18 tháng nhưng cũng chỉ còn đủ sức giữ được nó đến ngày 16 tháng 3 năm 1943.

Trên hướng Ostrogozhsk - Rossosh
Diễn biến chiến dịch Ostrogozhsk-Rossosh

Chiến dịch Ostrogozhsk-Rossosh là tên gọi chính thức trong lịch sử Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga (hiện nay) của cuộc tấn công mùa đông 1942-1943 tại khu vực Ostrogozhsk - Rossosh trên thượng lưu sông Đông. Khởi đầu ngày 12 tháng 1 và kết thúc ngày 27 tháng 1, trong khi giai đoạn thứ ba của Chiến dịch Cái Vòng còn đang tiếp diễn, Phương diện quân Voronezh do trung tướng Filipp Ivanovich Golikov chỉ huy đã sử dụng tập đoàn quân 40 ở cánh phải, Tập đoàn quân xe tăng 3 ở cánh trái và quân đoàn bộ binh độc lập 18 để tấn công, bao vây và loại khỏi vòng chiến đấu Tập đoàn quân 2 (Hungary) và Quân đoàn sơn chiến Alpino, (quân đoàn còn lại của Tập đoàn quân 8 Ý tại mặt trận phía đông); đánh thiệt hại nặng Tập đoàn quân 2 Đức, buộc tập đoàn quân này phải bỏ phòng tuyến sông Đông, lùi về giữ tuyến Prusky, Khmelevskoye, Krugkoye, phía tây Rossosk, Ilovskoye, Soldarskoye trên bờ tây các con sông nhỏ Potudan, Tikhaya-Sosna và Tsyornaya-Kalitva.[63] Quân đội Liên Xô cắt đứt đoạn phía bắc con đường sắt thứ hai dọc phía tây sông Đông và khôi phục việc sử dụng con đường sắt chiến lược từ Katemirovka đến Liski. Chiếm được khu vực tam giác Ostrogozhsk - Rossosh - Alekseyevka, quân đội Liên Xô đã đẩy quân đội Đức ra xa Voronezh thêm hơn 140 km về phía tây nam, tạo một bàn đạp thuận lợi có thể uy hiếp phàn còn lại của Cụm tập đoàn quân B (Đức) gồm 10 sư đoàn Đức và 2 sư đoàn Hungary đang đóng tại Belgorod - Kharkov (về phía tây) và Kursk (về phía tây Bắc), phía tả ngạn khúc sống Đông chảy qua giữa thành phố Voronezh.[64] Chiến dịch Ostrogozhsk - Rossosh có vai trò khởi đầu cho ba chiến dịch có tính chiến thuật của quân đội Liên Xô tại trung lưu sông Đông. Trong chiến dịch này, 5 sư đoàn Đức, 7 sư đoàn Hungary, 3 sư đoàn sơn chiến Ý đã bị bao vây, tiêu diệt. Số quân Đức và đồng minh bị bắt làm tù binh lên đến 86.000 người.[65] Thất bại của tập đoàn quân 2 (Đức), tập đoàn quân 2 Hungary và quân đoàn Alpino Ý đã đẩy cánh quân Đức đang đối diện với khu vực Voronezh vào tình thế bị uy hiếp từ phía nam trong khi thống chế Maximilian Freiherr von Weichs không còn trong tay một lực lượng dự bị đáng kể nào tại khu vực mặt trận này. Chiến dịch Ostrogozhsk-Rossosh đã tạo bước chuyển biến thuận lợi cho quân đội Liên Xô tiếp tục tiến hành Chiến dịch Voronezh-Kastornoye và Chiến dịch Kharkov sau này.[66]

Trên hướng Voronezh - Kastornoye
Quân đội Liên Xô triển khai chiến dịch Voronezh-Kastornoye

Kết quả thắng lợi lớn của Chiến dịch Ostrogozhsk - Rossosh đã làm cho cụm quân Đức - Hungary đóng trong vùng Voronezh, Kastornoye bị hở một khoảng dài hơn 100 km tại sườn phía nam. Sườn phía bắc của cụm quân này cũng đang bị Tập đoàn quân 13 của Phương diện quân Briansk uy hiếp. Những điều kiện thuận lợi cho việc đánh bại các lực lượng Đức đóng đối diện với khu vực Voronezh, Kastornoye đã xuất hiện. Cũng như tại Chiến dịch Ostrogozhsk-Rossosh trước đó, tại khu vực thượng lưu và trung lưu sông Đông, quân đội Đức Quốc xã không còn các đơn vị dự bị cơ động để tăng viện cho các hướng bị uy hiếp. Quân số và phương tiện của các đơn vị còn lại của Cụm tập đoàn quân B cũng bị tiêu hao bởi các trận đánh nhỏ lẻ hàng ngày và chiến tranh du kích[63]

Ngày 24 tháng 1 năm 1943, Phương diện quân Voronezh do trung tướng Filipp Ivanovich Golikov chỉ huy gồm Tập đoàn quân xe tăng 3, các tập đoàn quân 40 và 60 và Tập đoàn quân 13 trên cánh trái của Phương diện quân Briansk do trung tướng Maks Andreevich Reyter chỉ huy phối hợp chặt chẽ dưới sự điều hành thống nhất của Nguyên soái A. M. Vasilevsky đã phát động một cuộc tấn công vào khu vực Kursk và phát triển từ phía bắc và phía nam hướng đến Kastornoye. Ngày 25 tháng 1, Tập đoàn quân 60 của tướng I. D. Cherniakhovsky đã lấy lại phần phía tây thành phố Voronezh từ tay quân đội Đức Quốc xã. Bất chấp băng giá và bão tuyết hoành hành trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, quân đội Liên Xô vẫn tấn công mau lẹ.[67] Ngày 28 tháng 1, trong một trận đánh quyết định, họ đã phá vỡ tuyến phòng thủ của quân Đức quanh Kastornoye và chiếm lại thành phố này vào buổi sáng ngày hôm sau. Khi các tuyến đường chính có thể sử dụng để rút lui của quân Đức đã bị quân đội Liên Xô cắt đứt thì có đến 10 sư đoàn quân Đức và 2 sư đoàn quân Hungary bị vây chặt ở phía đông nam thị trấn Kastornoye và mọi cố gắng của quân Đức để phá vây đều trở nên vô ích. Toàn bộ 125.000 quân bị vây, trong đó có đến 83% là quân Đức đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt. Tiếp sau Chiến dịch Ostrogozhsk-Rossosh, chiến dịch Voronezh-Kastornoye đã tiêu diệt một nhóm quân lớn thứ hai của Cụm tập đoàn quân B (Đức) trong khu vực Voronezh-Kursk, đặt nhóm quân Đức còn lại đang đóng tại khu vực Kharkov-Belgorod với binh lực rất mỏng vào tình thế bị đe dọa bao vây và tiêu diệt.[68]

Quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Kharkov lần thứ hai, tháng 3 năm 1943

Chiến dịch Belgorod-Kharkov có tên mã là "Chiến dịch Ngôi Sao" (Tiếng Nga: Oпераций «Звезда») được phát động Phương diện quân Voronezh (Liên Xô) phát động ngày 2 tháng 2 năm 1943 như một sự tiếp nối với hai chiến dịch Ostrogozhsk-RossoshVoronezh-Kastornoye trước đó. Chiến dịch này đã diễn ra song song với "Chiến dịch Bước nhảy vọt" (Oпераций «Скачок»), một chiến dịch thất bại nặng nề do Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) thực hiện ở khu vực Nam Donets-Donbass. Bắt đầu tấn công từ ngày 2 tháng 2 tại khu vực Oboyan-Belgorod, đến ngày 16 tháng 2, Phương diện quân Voronezh mới chiếm được Kharkov một cách chật vật và không những không còn lực lượng để tiếp tục tấn công mà còn tiêu hao nốt những đội dự bị cuối cùng lẽ ra phải được bố trí để giữ vững thành phố vừa lấy lại được.[69] Bị mê hoặc bởi giả thuyết "Quân Đức đang tháo chạy về tuyến sông Dniepr", không chỉ tướng F. I. Golikov, tư lệnh Phương diện quân Voronezh mà cả tướng N. F. Vatutin, tư lệnh Phương diện quân Tây Nam cũng đòi hỏi "Phải có những hành động kiên quyết". Bị thôi thúc bởi ý tưởng tái thực hiện lại ý đồ hợp vây quân Đức tại Kharkov trong Chiến dịch Barvenkovo-Lozovaya không thành công gần một năm trước đó, Tổng tư lệnh tối cao I. V. Stalin cuối cùng cũng xiêu lòng trước đề nghị của các tư lệnh Phương diện quân mà không tỏ ra một chút băn khoăn về tình trạng hao quân trầm trọng của các đơn vị này sau hơn một tháng chiến đấu liên tục trong bão tuyết, đồng thời đã phải di chuyển trên chiều sâu hơn 300 km và mở rộng thêm chính diện lên đến hơn 800 km. Kết quả là quân đội Liên Xô chỉ trụ lại được tại Kharkov 30 ngày và sau đó, phải rút quân về phía bắc Belgorod sau khi Phương diện quân Voronezh được tăng cường Tập đoàn quân 21 và Tập đoàn quân xe tăng 1.[70]

Chiến dịch Donets và sự hình thành mặt Nam của vòng cung Kursk

Sư đoàn xe tăng 3 Neumann (Đức) tấn công Kharkov, tháng 3 năm 1943
Bài chi tiết: Chiến dịch Donets

Dựa trên những lợi thế chiến lược mới có được ở cánh Nam mặt trận Xô-Đức, một kế hoạch đầy tham vọng được Phương diện quân Voronezh (Liên Xô) được hoạch định để tiếp tục đánh chiếm Kharkov, phối hợp với một cuộc tấn công của Phương diện quân Briansk vào Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) tại "chỗ lõm" ở Orel trước khi tiếp tục đột phá hướng về Bryansk. Một chiến dịch nữa (Chiến dịch Bước Nhảy Vọt) không kém phần phiêu lưu của Phương diện quân Tây Nam cũng được tiến hành. Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô đã cảnh báo về tình trạng hao quân tại các tập đoàn quân và về tình trạng chưa sẵn sàng, về những khó khăn của công tác hậu cần trong việc tiếp tế cho các tập đoàn quân đã tiến xa đến hơn 650 km ở phía tây Stalingrad nhưng cả F. I. Golikov (tư lệnh Phương diện quân Voronezh), N. F. Vatutin (Tư lệnh Phương diện quân Tây Nam) đều quả đoán rằng "quân Đức đang rút chạy về tuyến sông Dniepr và đây là thời điểm tốt nhất để tấn công truy kích".[69] Mặc dù chiếm được Kharkov ngày 16 tháng 2 một cách chật vật nhưng Phương diện quân Voronezh đã không còn đủ lực lượng để giữ nó. Ngày 23 tháng 2, vấp phải đòn phản công của các quân đoàn xe tăng 57, 48 và 2-SS, cả cụm cơ động thuộc Phương diện quân Tây Nam và cánh trái của Phương diện quân Voronezh đã phải vội vã rút lui. Chẳng những Phương diện quân Voronezh không thể tiếp tục phát triển tấn công đến tuyến Rynsk, Lebedino, Zenkov, Artyrka, Poltava theo kế hoạch giai đoạn 2 của Chiến dịch Ngôi Sao mà ngày 18 tháng 3, họ còn bị Quân đoàn xe tăng 2 SS phản công đánh bật khỏi khu vực Kharkov-Belgorod (bao gồm cả thành phố Kharkov) vừa chiếm được.[71]

Việc quân Đức rút bỏ khỏi "chỗ lồi" Rzhev-Viazma ngày 2 tháng 3 và cuộc rút quân của Quân đoàn xe tăng 2 SS ra khỏi Kharkov ngày 15 tháng 2 được các tướng lĩnh chỉ huy các Phương diện quân Voronezh và Tây Nam (Liên Xô) đánh giá là một hành động rút chạy nhưng sự thật không phải như vậy. Quân đội Đức Quốc xã rút khỏi Rzhev-Viazma không chỉ để cứu viện cho cánh Nam mà còn để tập trung lực lượng phản công tại tả ngạn Ukraina. Cuộc phản công của Manstein, được tăng cường bởi Quân đoàn xe tăng 2 SS với những chiếc xe tăng Tiger, mở màn vào 19 tháng 2 năm 1943 và đến tuần thứ ba của tháng 3, khi mùa tuyết tan vừa tới, đã đẩy lùi quân Liên Xô từ Poltava về bên kia sông Bắc Donets. Do kịp thời đưa những lực lượng mới gồm Tập đoàn quân xe tăng 1 từ lực lượng dự bị và Tập đoàn quân 21 từ Phương diện quân Briansk đến lấp vào lỗ trống do Tập đoàn quân xe tăng 3 và Tập đoàn quân 69 thua trận ở Kharkov để lại, Quân đội Liên Xô đã chặn đứng Tập đoàn quân xe tăng 4 và Quân đoàn xe tăng 2 SS trên tuyến Sumy, Krasnopol, Ploretarysk, Yakovlevsk, Belgorod, Volchansk, hình thành mặt chính diện phía nam của vòng cung Kursk. Đến đây, cả hai bên đều tạm ngưng chiến và tiếp tục tập trung binh lực để chuẩn bị cho trận Kursk.[63]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Blau http://users.pandora.be/stalingrad/germanpart/dir4... http://cgsc.cdmhost.com/cgi-bin/showfile.exe?CISOR... http://www.imdb.com/title/tt0107547/ http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/H... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/H... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/L... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/L... http://web.archive.org/web/20090506092909/http://m... http://www.worldcat.org/title/when-titans-clashed-...